Đặc điểm tự nhiên:
– Cây Sơn ta tên tiếng Anh là Toxicodendron succecdanea.
- Cây Sơn lấy nhựa có tên khoa học là Toxicodendron succecdanea được người Pháp phát triển, đưa thành nghề vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Cây Sơn ta có giá trị kinh tế thu từ nhựa cây – nhựa Sơn ta là nguồn nguyên liệu quý rất cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp và thủ công nghiệp như làm đồ mỹ nghệ (sơn, gắn các mặt hàng chắp bằng tre nứa, các sản phẩm thủ công, đồ thờ, hàng sơn mài, sơn dầu,…) sơn tàu thuyền, sản xuất các vật liệu cách điện,… Rễ, lá, vỏ quả dùng chữa bệnh hen khan, viêm gan mãn tính, đau dạ dày, ngã tổn thương, dùng ngoài trị gãy xương, vết thương chảy máu, lao phổi,….
- Cây Sơn có thể thích nghi với nhiều vùng đất đai, điều kiện thổ nhưỡng. Ở vùng đồi trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam đều có cây sơn sinh trưởng. Sơn có hai giống là sơn giềng (sơn đỏ) và sơn ngái (sơn trắng). Sơn trắng nhiều nhựa hơn, nhưng chất lượng nhựa kém sơn giềng, ngược lại sơn giềng thời gian thu hoạch bền, nhựa tốt hơn sơn ngái.
- Vào mùa tháng 10, khi quả sơn già, chín chuyển từ mầu xanh sang trắng người ta thu về phơi khô, đến mùa trồng sơn, giã bỏ lớp cùi ngoài lấy hạt đem gieo. Mùa trồng sơn có hai vụ: Vụ xuân bắt đầu gieo từ tháng 3 đến tháng 5, vụ thu gieo vào tháng 9, 10. Mật độ trồng sơn tùy độ phì nhiêu của đất, ở nơi đất tốt khoảng cách trồng cây cách cây 2-2,5m, đất xấu chỉ 1,5-2m, thường mỗi sào trồng từ 150-200 cây.
- Sau khi trồng 2-3 năm sơn cho thu hoạch, năm đầu người ta chích một phía cây gọi là cắt mặt một, năm sau chích thêm phía ngược lại gọi là mở mặt cội. Khi cắt mỗi mặt tính sao để khoảng cách cuối cùng giữa miếng cắt phía dưới và phía trên cách nhau khoảng 8-10 cm, hết lớp nọ đến lớp kia. Miếng cắt theo hình chữ V, rất đơn giản song cái khó ở đây là khi cắt phải đặt lưỡi dao nghiêng 5-100 lệch lên phía trên để miếng cắt có độ nghiêng vào phía trong khi nhựa chảy ra gom vào phía thân cây, tập trung lại ở điểm giáp nối của chữ V, chảy vào vỏ chai hứng ở dưới mà không tràn ra theo vỏ cây chảy ra ngoài. Đặc biệt vết cắt phải rất mỏng chỉ khoảng 1 mm, cắt như vậy sơn chảy lâu, nhựa tốt, còn vết cắt dày nhựa chảy ra ngay nhưng chỉ một lúc là hết, vừa ít, nhựa sơn vừa không tốt.
- Thời điểm chích nhựa sơn phải tránh trời mưa, nắng to. Gặp trời mưa nhựa sơn sẽ dễ bị chảy tràn ra không tập trung vào vỏ, nhựa thu về cũng thiu, thối không để được lâu. Ngược lại nếu gặp nhiệt độ cao sẽ làm khô miếng cắt và nhựa trong vỏ chai. Vì vậy, thời điểm chích chủ yếu từ 1-2 giờ đến 7-8 giờ sáng, trút nhựa vào tầm 9-10 giờ, nếu gặp ngày nắng to mọi công việc phải kết thúc trước 9 giờ sáng, nên người cắt sơn phải dùng đèn, đi cắt từ lúc gà gáy. Sự vất vả này cũng là nguyên nhân khiến cây sơn dễ trồng nhưng khó phát triển rộng rãi. Năng suất của cây Sơn đạt khoảng 4 tạ/ha/năm.
- Công dụng:
- Sơn là cây công nghiệp lấy nhựa để phục vụ sản xuất công nghiệp, gia dụng.
- Dù sản xuất đồ mộc, nhiều đồ gia dụng người ta đã đưa ra nhiều loại keo công nghiệp để gắn kết, sơn phủ rất nhanh, rẻ, nhưng độ bền, độ đẹp khó có loại nào sánh được với sơn ta. Sơn ta ngoáy kỹ, trộn với cám cưa dây nhỏ làm chất keo gắn kết các mộng gỗ, chỗ giáp nối một số đồ gia dụng coi như vĩnh viễn không lo tụt, biến dạng. Đặc biệt sơn ta chế biến làm quang dầu, làm sơn mài tạo ra tranh, sơn phủ gỗ đến giờ chưa có loại sơn công nghiệp nào thay thế. Ngoài ra sơn ta còn được dùng nhiều trong lĩnh vực sản xuất đồ mỹ nghệ rất được các nước phát triển ưa chuộng.