ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:
- Cây Trẩu tên khoa học là aleurites montana (lour.) Wils, còn gọi là cây dầu sơn, ngô đồng, mộc đu thụ, thiên niên đồng, bancoulier, abrasin, thuộc họ thầu dầu euphorbiaceae.
- Trẩu là một cây to, cao có thể tới 8m hay nhiều hơn, thân nhẵn, lá đa dạng, khi thì có thùy sâu, khi xẻ nông, khi thì nguyên và hình tim, mặt trên bóng, màu sẫm, mặt dưới mờ, màu nhạt. Các lá đa dạng đều có một đặc điểm chung: Ở gốc phiến lá và kẽ thùy bao giờ cũng có hai tuyến đỏ nổi rõ, cuống lá dài 7-10cm. Hoa đơn tính, cùng gốc, có khi khác gốc. Tràng 5, màu trắng, đốm tía ở móng tràng. Quả hình trứng, màu lục, đường kính 3-5cm, mặt ngoài nhăn nheo, cấu tạo bởi 3 mảnh vỏ, mỗi mảnh có một đường gn6 nổi cao, 3 hạt có 3 nội nhũ to chứa có lá xẻ thùy nhiều dầu. Mùa hoa tháng 4, thường ra hoa trước khi lá non xuất hiện. Thường tháng 9 lại có 1 vụ hoa nữa. Quả của lứa hoa trước chín vào khoảng tháng 10.
- Cây Trẩu mọc hoang và được trồng nhiều ở vùng đồi núi Miền Trung, Miền Bắc của Việt Nam. Trẩu ưa đất mát, thoát nước, trên có dốc. Trẩu phân bố nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Hoà Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Cạn, Cao Bằng, miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
- Hạt Trẩu có khoảng 20% dầu nên thường ép hạt để lấy dầu. Dầu Trẩu chứa acid béo chủ yếu là α-eleostearic (70 – 80%). Đây là dạng acid béo chưa no với 3 nối đôi có khả năng oxy hoá mạnh, nên dầu mau khô. Khi khô kết thành màng có tính chất chống ẩm chịu được thời tiết biến đổi cao, sức co giãn tốt, có tác dụng chống gỉ.
- Sau khi ép dầu, khô bã còn lại chứa tới 50% protein thô, 7,5% tro, 3% cellulose và một số hợp chất khác (trong đó có saponin).
- Trong lá và hạt Trẩu có chất saponorit độc, không thể dùng làm thức ăn cho gia súc được.
- Dầu Trẩu có những đặc tính quan trọng mà một số dầu khác không có đó là tính chịu nhiệt độ cao, chịu nước và chịu mặn. Chính vì vậy, đây là nguyên liệu quý trong việc chế biến sơn cách nhiệt, sơn trang trí, sơn chống axit, sơn trong môi trường có sức phá hủy mạnh và kể cả sơn dùng trong Quốc phòng. Do những tính chất đặc biệt và công dụng lớn như đã nêu trên, dầu trẩu là một sản phẩm rất có giá trị.
Trong công nghiệp, dầu trẩu được dùng làm sơn cao cấp, (sơn ô tô, máy bay, tầu thuyền…), sơn cách điện, cách nhiệt, chất dẻo, cao su nhân tạo, xà phòng, da nhân tạo, vải sơn, vải dầu, sơn mỹ thuật, mực in… Khô dầu dùng làm phân bón hoặc làm thức ăn gia súc sau khi đã khử các độc tố. - Vỏ quả có thể dùng làm than hoạt tính.