Đặc điểm tự nhiên
- Nằm ở độ cao hơn 1.400 m so với mực nước biển, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là vùng cao nguyên với thời tiết mát mẻ quanh năm. Chính điều kiện khí hậu đặc biệt cùng thổ nhưỡng thích hợp đã giúp cây chè Shan tuyết sinh trưởng và gắn bó hàng trăm năm nay với mảnh đất này.
- Tủa Chùa hiện có gần 600 ha chè, trong đó có khoảng 30 ha với hơn 10.000 cây chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
- Chè Shan tuyết ở Tủa Chùa là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to, cây to nhất có đường kính hơn 2,5m, cao hơn chục mét, mọc san sát nhau như rừng cây cổ thụ. Những cây chè cổ thụ ở Tủa Chùa có tuổi đời hàng trăm năm. Chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi là chè tuyết. Vào mùa đông, những thân cây chè khẳng khiu, chống chọi lại cái lạnh, sương muối và băng giá. Nhưng khi mùa xuân đến, những cơn mưa xuân và nắng ấm đã tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho chè đâm chồi, nảy mầm mang đến một mùa bội thu.
- Không giống các loại chè khác, để hái được chè Shan tuyết cổ thụ, người hái phải dùng thang trèo lên thân cao.Đến Tủa Chùa trong quãng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10, ngoài tham quan, khám phá những phong cảnh còn nguyên nét hoang sơ của thiên nhiên, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm thu hoạch hái chè cây cao cổ thụ. Đó là khung cảnh những người phụ nữ trong bộ trang phục dân tộc Mông truyền thống rực rỡ sắc màu, lưng đeo lu cở treo lên những cây chè cao hơn chục mét để thu hái.
- Giống chè cổ thụ này, mỗi một lần thu hoạch, mỗi cây cho khoảng 16kg chè búp tươi. Sau khi sơ chế biến thu được 3kg chè khô. Nếu được chăm sóc tốt, vườn chè Shan tuyết cổ thụ mỗi năm có thể thu hái từ 4 đến 5 lần búp tươi, sản lượng có thể lên tới 1 tấn chè khô/năm.
- Chè sau khi thu hái, sao khô, khi pha vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, lúc đầu uống có vị chát đậm đà, sau lại có vị ngọt đượm. Đặc biệt, cây chè ở Tủa Chùa càng già thì càng cho nhiều búp có vị đanh, hương vị càng đậm đà.
- Chè Shan tuyết Tủa Chùa có hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, trà mới uống có vị hơi đắng chát của mùi lá cây rừng lâu năm. Nhưng sau khi uống thì lại có vị ngọt đặc biệt lưu lại nơi đầu lưỡi. Đặc biệt, quyện trong hương trà có cả mùi thơm của cây cỏ núi rừng, pha chút đắng nhè nhẹ ví như cuộc sống của đồng bào Mông trên vùng đất gian khó Tủa Chùa.
- Được đồng bào dân tộc Mông thu hái và sao khô thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chè Shan Tuyết có chất lượng sạch, an toàn, màu nước vàng óng, vị ngọt đắng đặc biệt và được bán với giá khá cao.
- Để từng bước đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, từ năm 2019, huyện Tủa Chùa đã chú trọng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như hỗ trợ bao bì, in tem, thiết kế mẫu mã sản phẩm.
- Đến nay, các sản phẩm chè đã được chứng nhận theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, nhiều vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
- Huyện cũng tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các kênh hội chợ thương mại trên địa bàn huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận; quảng cáo giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, tạo điều kiện để các sản phẩm từ chè Shan tuyết của Tủa Chùa được đến với nhiều địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.